QUAN TRỌNG:QUY ĐỊNH ĐĂNG KÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MỚI TẠI MỸ

QUAN TRỌNG:QUY ĐỊNH ĐĂNG KÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI MỚI TẠI MỸ

Ngày đăng: Apr 18, 2025 9:48 AM - Chia sẻ:

Vào ngày 11/04/2025, Sở Di trú Mỹ (USCIS) sẽ bắt đầu thực thi hệ thống đăng ký người nhập cư mới, theo Sắc lệnh Hành pháp 14159 của Tổng thống Trump.

Sắc lệnh này có tên “Bảo vệ người dân Mỹ khỏi sự xâm nhập”. Được Bộ trưởng Noem công bố vào cuối tháng 2, sáng kiến này nhằm đảm bảo tất cả người không phải công dân Mỹ tuân thủ nghĩa vụ đăng ký với chính phủ theo Đạo luật Nhập tịch và Quốc tịch (INA). Dưới đây là hướng dẫn toàn diện về hệ thống mới, mục đích, đối tượng bị ảnh hưởng và cách tuân thủ.

Mục đích của hệ thống đăng ký

Yêu cầu người nước ngoài đăng ký với chính phủ Mỹ không phải là điều mới. Yêu cầu này – được biết đến với tên gọi Yêu cầu Đăng ký Người nước ngoài (ARR) – bắt nguồn từ Đạo luật Đăng ký Người nước ngoài năm 1940. Luật này yêu cầu hầu hết người không phải công dân phải đăng ký và cung cấp dấu vân tay cho chính phủ liên bang. Sau này, Đạo luật INA đã hợp pháp hóa các yêu cầu này.

Trong lịch sử, chính phủ liên bang ít khi thực thi mạnh mẽ ARR, phần lớn vì người nước ngoài đã được đăng ký và lấy dấu vân tay khi xin visa hoặc thông qua chương trình ESTA. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh "Bảo vệ người dân Mỹ khỏi sự xâm nhập", chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa siết chặt việc thực thi ARR, với trọng tâm vào cả hình phạt hình sự và dân sự với người vi phạm.

Các quan chức cho rằng mục tiêu chính là an ninh quốc gia và an toàn công cộng, bằng cách duy trì hồ sơ đầy đủ về tất cả người không phải công dân đang sinh sống tại Mỹ. Hệ thống này nhằm giúp chính phủ giám sát và quản lý sự hiện diện của người nhập cư, đặc biệt là những ai mà chính quyền Trump cho rằng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chống lại làn sóng nhập cư trái phép trong bốn năm qua.

Các điều khoản chính cần lưu ý

  • Đăng ký bắt buộc: Tất cả người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên, lưu trú tại Mỹ từ 30 ngày trở lên, chưa từng được đăng ký hoặc lấy dấu vân tay khi xin visa phải thực hiện đăng ký
  • Bằng chứng đăng ký: Người không phải công dân Mỹ trên 18 tuổi sẽ nhận được bằng chứng đăng ký và phải luôn mang theo bên mình
  • Tự nguyện rời khỏi Mỹ: Những người không muốn đăng ký được chính phủ khuyến khích chủ động rời khỏi Mỹ để tránh bị phạt
  • Mức phạt khi không tuân thủ: Nếu không đăng ký, người nước ngoài có thể bị phạt dân sự hoặc hình sự, bao gồm phạt tiền lên đến 5,000 USD hoặc án tù 06 tháng
  • Tác động của việc đăng ký người nước ngoài: Lưu ý, việc đăng ký này KHÔNG cấp tình trạng nhập cư, KHÔNG cho phép lao động, KHÔNG bảo vệ khỏi việc bị trục xuất. Đây chỉ đơn thuần là một công cụ theo dõi.

Ai được xem như đã đăng ký rồi?

Những người như sau được xem như là đã đăng ký rồi:

  • Thường trú nhân hợp pháp (người sở hữu thẻ xanh);
  • Người được vào Mỹ diện nhân đạo theo INA 212(d)(5), dù thời gian đã hết hạn;
  • Người nhập cảnh theo diện không định cư với mẫu I-94 hoặc I-94W (bản giấy hoặc điện tử), dù thời hạn đã hết;
  • Người có thị thực nhập cư hoặc không nhập cư được đóng dấu trước khi nhập cảnh;
  • Người đang trong quá trình bị trục xuất;
  • Người có giấy phép lao động (EAD);
  • Người đã nộp đơn xin thẻ xanh (I-485, I-687, I-691, I-698 hoặc I-700), dù bị từ chối;
  • Người có thẻ Border Crossing Card (BCC).

Ai bắt buộc phải đăng ký?

  • Người nhập cảnh trái phép (không được kiểm tra hoặc được cho phép chính thức);
  • Người Canada vào Mỹ qua cửa khẩu đất liền nhưng không có giấy đăng ký;
  • Người nộp đơn xin deferred action, Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) hoặc các yêu cầu không nằm trong 8 CFR 264.1(a) mà không được cấp bằng chứng đăng ký

Đối với trẻ em khi tròn 14 tuổi

USCIS có nhấn mạnh rằng:

  • Mọi người nước ngoài từ 14 tuổi trở lên, chưa được đăng ký khi xin visa và lưu trú tại Mỹ quá 30 ngày, phải đăng ký trong vòng 30 ngày;
  • Cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em dưới 14 tuổi có trách nhiệm đăng ký cho con mình;
  • Bất kỳ người nước ngoài nào tròn 14 tuổi tại Mỹ, dù trước đó có đăng ký hay chưa, phải đăng ký trong vòng 30 ngày sau sinh nhật.

Ngay cả thường trú nhân hợp pháp (có thẻ xanh) khi tròn 14 tuổi cũng phải nộp mẫu đơn I-90 để đăng ký và lấy dấu vân tay, kể cả khi thẻ xanh chưa hết hạn.

Cách đăng ký thông tin người nước ngoài với USCIS

Bước 1: Tạo tài khoản USCIS trực tuyến (bao gồm cả tài khoản cho trẻ em);

Bước 2: Điền và nộp mẫu đơn điện tử G-325R – Thông tin Tiểu sử (Registration);

Bước 3: Sau khi gửi, USCIS sẽ xem xét thông tin và xác định xem bạn có cần thêm bước nào không (ví dụ như lấy dấu vân tay). Nếu đã có trắc sinh học có thể được miễn.

Sau khi hoàn tất, bằng chứng đăng ký sẽ được cấp trong tài khoản USCIS trực tuyến, người dùng có thể tải xuống và in.

Mọi thắc mắc liên quan đến Chương trình đầu tư định cư EB-5 và dự án EB-5 River Oak, xin vui lòng liên hệ 0938613062 hoặc vietnam@avseb5.com

Trung tâm vùng AVSEB-5







Tags: EB5, DỰ ÁN EB5, TRUNG TÂM VÙNG, TỔNG THỐNG TRUMP, USCIS, CHÍNH PHỦ MỸ,